USE IT OR LOSE IT
“Hãy đảm bảo giữ đầu gối của bạn thẳng hàng với mắt cá chân trong tư thế Low Lunge, High Lunge, Warrior, Chair pose...”
Bạn đã nghe lời dẫn này bao nhiêu lần trong lớp học yoga? Và lần sau vào tư thế, bạn luôn điều chỉnh cho gối không qua mắt cá mà không rõ điều đó giúp ích gì cho mình.
Trong hình bên dưới, Malasana (Tư thế vòng hoa dưới cùng góc trái), đầu gối qua mắc cá và cả ngón chân nhưng lại không nghe lời điều chỉnh ở trên. Thực tế, đầu gối vượt qua mắt cá chân và ngón chân là một chuyển động chức năng và thiết yếu mà cơ thể chúng ta phải thực hiện được! Chúng ta làm như vậy trong cuộc sống hàng ngày khi leo cầu thang, cúi xuống nhặt vật gì đó hoặc ngồi trên sàn nhà.(hình góc dưới bên phải mình mô phỏng bước lên cầu thang)
Điều thường thiếu là sự hiểu biết về mức độ ảnh hưởng của sự căn chỉnh này đến từng tư thế và người tập tư thế đó. Và kiến thức này rất cần thiết cho cả học viên và giáo viên vì cách chúng ta luyện tập hoặc sử dụng đầu gối trong asana cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng hoạt động tốt như thế nào, cả trong và ngoài thảm. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng tốt giữa việc bảo vệ khớp và dây chằng trong khi thử thách và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp của bạn.
Ưu và nhược điểm của việc căn chỉnh đầu gối của bạn trên mắt cá chân:
Di chuyển đầu gối theo cách này sẽ chuyển công việc sang cơ hông và giảm áp lực lên khớp gối, điều này đặc biệt hữu ích cho những ai bị đau khi gập đầu gối sâu. Ví dụ: nếu bạn bị viêm khớp đầu gối, chấn thương gối và đang phục hồi.
Đây chính là mục đích thực sự đằng sau lời hướng dẫn và nó có tác dụng tốt cho gối trong những trường hợp này, chứ không phải hình dáng tư thế bạn tạo ra trông… đẹp và thẳng hàng hơn. Nhưng vì công việc được chuyển sang hông nên vô tình cũng lấy đi sức mạnh của nhóm cơ đùi giúp di chuyển khớp gối.
Hãy thử vào Chair pose cho gối trên mắc cá và qua mắc cá và cảm nhận các nhóm cơ đang hoạt động thì bạn sẽ hiểu những gì mình viết ở đây. Nếu đầu gối của bạn không bị tổn thương thì lần tới khi tập, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn định tuyến theo mục đích của mình.
Bao nhiêu chữ ở trên mình nghĩ đã đủ nhưng mình lược dịch thêm đoạn trong bài của YogaJournal, vì mình thích câu “Use it or lose it!”
Hậu quả lâu dài của việc hạn chế cử động đầu gối hoặc sợ gập đầu gối qua mắt cá chân được minh họa bởi Định luật Wolff. Vào thế kỷ 19, nhà giải phẫu học và bác sĩ phẫu thuật người Đức, Julius Wolff đã khái niệm hóa một định luật giải phẫu cho biết cách chúng ta sử dụng (hoặc không sử dụng) các khớp của mình cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các khớp đó. Do đó, bạn càng ít luyện tập uốn cong đầu gối và tăng cường sức mạnh cho chúng ở nhiều tư thế khác nhau thì đầu gối cũng như các cơ và dây chằng liên quan của bạn sẽ càng ít có khả năng di chuyển tốt trong những tư thế đó hoặc các tư thế tương tự ngoài thảm. Sự thật là cơ thể chúng ta có khả năng di chuyển theo nhiều cách khác nhau!
Nếu bạn có đầu gối khỏe mạnh nhưng quá thận trọng khi sử dụng, các khớp và các cơ liên quan cuối cùng sẽ mất khả năng uốn cong sâu khi cần thiết. Điều ngược lại cũng đúng: bạn càng rèn luyện đầu gối của mình ở nhiều góc độ và tư thế khác nhau, như khi thực hành các asana khác nhau, đầu gối của bạn sẽ trở nên đàn hồi hơn và hoạt động tối ưu hơn, cả trong và ngoài thảm. Nói một cách đơn giản là “𝐔𝐬𝐞 𝐢𝐭 𝐨𝐫 𝐥𝐨𝐬𝐞 𝐢𝐭!”